Nhật Bản đứng trước nguy cơ mất 25% GDP vì dân số già hóa. Theo một báo cáo thường niên được IMF công bố : Dân số già hóa và suy giảm nhanh chóng đồng nghĩa với “sự sụt giảm tương ứng về sản lượng thực” của nền kinh tế Nhật dưới các chính sách hiện hành
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Nhật có thể sụt hơn 25% trong 40 năm tới vì suy giảm dân số. Hiện tại, hơn 20% dân số Nhật Bản ở độ tuổi từ 70 trở lên. Tổ chức này cho rằng những cải cách về cấu trúc là vô cùng cần thiết nhằm giữ cho tăng trưởng kinh tế nước này không giảm tốc quá mạnh.
Tổ chức này đã thúc đẩy thực hiện trả lương công bằng cho những công việc ngang nhau giữa nhân viên toàn thời gian và nhân viên thời vụ tại Nhật Bản. Theo đó, hồi tháng 6, nước này đã thông qua một đạo luật, thay đổi quy định về thuế và trợ cấp xã hội – yếu tố khiến nhiều phụ nữ đã kết hôn không muốn tìm kiếm công việc toàn thời gian.
Những nỗ lực như vậy, cùng với cải cách về quản trị doanh nghiệp và tự do hóa thương mại, có thể “thúc đẩy GDP thực của Nhật thêm 15% trong 40 năm tới” so với kịch bản cơ sở của IMF.
IMF dự báo kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2018 nhưng sẽ giảm xuống còn 0,9% vào 2019 do kế hoạch tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10 năm sau. Dù ủng hộ việc tăng thuế, IMF vẫn cảnh báo rằng động thái này có thể khiến nền kinh tế Nhật co lại. IMF ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về việc giảm thuế nhà và ôtô nhằm giảm bớt tác động của cú sốc trên.
Bên cạnh đó, IMF cho rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản nên duy trì chính sách tiền tệ “thích ứng” thay vì thắt chặt quá sớm. Tổ chức này cho rằng chính phủ Nhật “nên khuyến khích các tổ chức tài chính đưa mô hình kinh doanh thích nghi với xu hướng dân số”, bao gồm việc sử dụng công nghệ tài chính để đa dạng hóa nguồn doanh thu.